Phòng tránh bệnh giun, sán trên dê cừu

Bệnh giun, sán đang rất phổ biến trong trang trại nuôi dê, cừu ở khu vực Miền Trung và Nam Bộ. Với những trường hợp nhiễm sán dây, nếu không chẩn đoán ra bệnh hay không quan tâm đến việc tẩy giun, sán thì việc điều trị bệnh thường không mang lại hiệu quả cao và rất tốn kém.

Vệ sinh thú y và phòng bệnh trên dê, cừu
Sán dài khoảng 1 - 5m, đốt sán già rụng, theo phân dê, cừu, bò, trâu ra ngoài. Ở môi trường ngoài, đốt sán phân hủy, giải phóng nhiều trứng sán. Trứng sán dây phát tán ở trong đất, được các loài nhện đất ăn phải. Vào đường tiêu hoá của nhện đất, trứng nở thành ấu trùng 6 móc, rồi phát triển thành ấu trùng có khả năng gây bệnh trong cơ thể nhện đất. Nhện đất thường hoạt động vào sáng sớm, buổi chiều và tối. Giữa trưa ánh sáng mạnh, ít thấy nhện đất.     

Ký chủ cuối cùng là dê, cừu, trâu, bò... ăn cỏ, cây có lẫn nhện đất. Vào đường tiêu hóa, nhện đất được tiêu hóa nhờ enzym trong đường tiêu hóa gia súc nhai lại, ấu trùng được giải phóng ra, bám vào niêm mạc ruột non, thẩm thấu dinh dưỡng qua bề mặt cơ thể, phát triển thành sán dây trưởng thành. Thời gian từ lúc súc vật nhai lại nuốt phải nhện đất mang ấu trùng gây bệnh, đến khi phát triển thành sán dây trưởng thành khoảng 40 - 50 ngày.

a. Tác hại:
- Tác động của chất độc: Trong quá trình sống, sán sinh ra các chất độc kích thích trực tiếp đến ruột, hạch lâm ba, màng treo ruột, thận... gây nên những tổn thương, làm cho súc vật rối loạn tiêu hóa, giảm khả năng thải trừ chất cặn bã của quá trình đồng hóa. Súc vật non chậm lớn, sức đề kháng giảm sút, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm mãn tính và các bệnh ký sinh trùng khác. Độc tố của sán còn đầu độc thần kinh ký chủ, làm cho ký chủ có triệu chứng thần kinh.


- Tác động cơ học: Đầu sán dây có 4 giác bám rất khỏe. Sán dùng 4 giác bám này bám chặt vào niêm mạc ruột, gây tổn thương, xuất huyết ở niêm mạc ruột. Sán có kích thước lớn (dài 1 – 5 m, rộng 1,6 cm), chỉ vài con sán đã có thể gây tắc mật trong ruột. Một vật chủ có thể bị vài chục con sán ký sinh, chúng tập trung ở ruột non, làm ruột phình to, tắc hoặc lồng ruột, có khi vỡ ruột.

- Tác động chiếm đoạt chất dinh dưỡng của vật chủ: Sán dây lấy dinh dưỡng là dưỡng chất ở ruột non ký chủ bằng phương thức thẩm thấu qua bề mặt cơ thể. Nghiên cứu cho thấy một ngày đêm mỗi sán dài thêm 8 đốt; như vậy, chúng phải lấy rất nhiều chất dinh dưỡng của vật chủ.

b. Triệu chứng lâm sàng:           
Súc vật ăn ít, khát nước, phân từ bình thường chuyển sang nhão rồi lỏng, có lẫn máu và chất nhầy, trong phân có lẫn những đốt sán. Một số trường hợp thân nhiệt tăng, hay nằm, lười vận động. Con vật gầy yếu dần, lông xù và mất độ bóng. Thiếu máu do thiếu dinh dưỡng thể hiện rất rõ ở màu sắc nhợt nhạt, xanh tái của niêm mạc. Một số trường hợp súc vật nhai lại bị bệnh thể hiện triệu chứng thần kinh (run rẩy, lảo đảo, xoay tròn, đầu lúc lắc....).

Các trường hợp dê, cừu bị bệnh sán dây nặng thường gây chết 80 - 90% gia súc ở lứa tuổi dưới 1 năm. Gia súc chết trong tình trạng gầy sút rõ rệt, bụng ỏng, ỉa chảy, phân dính bê bết. Về cuối bí ỉa, ỉa ra bọt, co rặn đau đớn và chết. Một số con có biểu hiện đi vòng quanh.

c. Bệnh tích:
Bệnh tích thể hiện rõ ở súc vật nhai lại còn non (dê, cừu non và bê). Ở súc vật trưởng thành và đã già bệnh tích không rõ. Bệnh tích thấy rõ nhất ở ruột non. Ruột non viêm cata, niêm mạc có thể có những điểm xuất huyết, trong ruột non chứa nhiều sán, có khi tắc ruột, vỡ ruột. Ngoài ra, có thể thấy hiện tượng tích nước ở lồng ngực, bụng và bao tim.

d.  Chẩn đoán bệnh sán dây: 
Để chẩn đoán bệnh do sán dây, có thể dựa vào triệu chứng lâm sàng, kết hợp với xét nghiệm phân tìm đốt sán. Những triệu chứng đáng chú ý là: gầy yếu, suy nhược, thiếu máu, tiêu chảy, phân có nhiều đốt sán.

- Chẩn đoán trực tiếp tìm đốt sán và mảnh đốt sán trong phân. Nếu ít đốt sán, có thể tìm theo phương pháp gạn rửa sa lắng rồi cho cặn lên giấy để tìm đốt sán.

- Tìm trứng sán: Làm phương pháp Fulleborn, tìm trứng sán khi đốt sán già vỡ ra. Trứng hình 3 cạnh, hơi tròn, màu tro nhạt, trong có ấu trùng 6 móc, có khí quan hình lê bao bọc. Cần chú ý khi trong ruột có đốt sán nhưng tử cung của sán khép kín, trứng không theo phân ra ngoài.

e. Điều trị:
-  Sử dụng thuốc tẩy sán:
+ Vime-Dazol: 1 g/15 kg thể trọng, dùng 1 liều duy nhất.
+ Fenben 10: 1 ml/5 - 6 kg, 5 - 7 ngày liên tục

Tẩy 1 lần có thể không hết sán dây, vì vậy sau 10 - 15 ngày có thể tẩy lại lần 2. Thuốc ức chế hấp thụ glucose làm giun, sán mất năng lượng không đủ để sống, gây bất động rồi chết, xác giun bị nhu động ruột đẩy ra ngoài từ từ, nên rất an toàn cho gia súc đang bệnh, mất sức.

- Có thể dùng song song với liều trình tẩy sán các thuốc bổ, vitamin và kháng sinh để hỗ trợ sức khỏe và điều trị viêm nhiễm cho gia súc.

f. Phòng bệnh:
- Định kỳ tẩy sán dây cho súc vật trước khi sán thành thục bằng một trong các loại thuốc trên. Đối với những đàn gia súc chăn thả trên bãi chăn đã có mầm bệnh thì sau khi chăn thả 30 - 35 ngày phải dùng thuốc tẩy và không để chậm quá sau ngày thứ 50. Tẩy 1 lần có thể không hết sán dây, vì vậy sau 10 - 15 ngày có thể tẩy lại lần 2.

- Dùng phương pháp ủ nhiệt sinh học: Hàng ngày dọn sạch phân ở chuồng nuôi, đồng thời thu gom phân trên đồng cỏ, bãi chăn, tập trung vào một nơi, vun thành đống, đắp đất kín dầy 20 - 30 cm, để sau 3 - 4 tuần nhiệt độ đống ủ tăng lên, có tác dụng diệt được trứng và ấu trùng giun sán. Có thể trộn thêm tro bếp, vôi bột và lá xanh vào phân để tăng thêm nhiệt độ của đống ủ. Hoặc đào hai hố ủ phân ở cạnh nhau, phía sau chuồng nuôi, hàng ngày gom phân vào một hố, khi đầy trát kín miệng hố bằng bùn hoặc đắp đất, sau 3 - 4 tuần nhiệt độ hố ủ tăng lên trên 500C sẽ diệt được trứng và ấu trùng giun sán.

- Chuồng nuôi phải giữ khô ráo, sạch sẽ, vì đây là nơi gia súc thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh giun sán do chính nó thải ra.

- Cải tạo đồng cỏ, bãi chăn thả để hạn chế sự phát triển của ký chủ trung gian.

- Thời gian chăn thả: Tránh nhện đất bằng cách không chăn thả lúc sáng sớm, chiều tối.

Nguồn người chăn nuôi


Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét