Khái niệm tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR thường được người chăn nuôi nhắc đến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ, đầy đủ về tỷ lệ FCR và những ảnh hưởng của nó đến chăn nuôi heo thịt, để từ đó có giải pháp cải thiện nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao (profitability).
Vậy tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR trong chăn nuôi heo thịt là gì?
Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR trong chăn nuôi heo thịt phản ánh hiệu quả chăn nuôi heo thịt ở một giai đoạn chăn nuôi nào đó; là tỷ lệ giữa lượng tiêu tốn thức ăn và trọng lượng thịt hơi tăng thêm, được tính theo công thức dưới đây:
FCR = Khối lượng (kg) thức ăn tiêu tốn/kg tăng trọng
Công thức trên có thể dùng tính cho một cá thể, một lô thí nghiệm (trial) hoặc cho toàn trại.
Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR có tầm quan trọng đối với người chăn nuôi, đặc biệt trong bối cảnh chi phí thức ăn (feed) ngày càng tăng, giá thịt heo hơi xuống thấp. Trong giai đoạn giá thịt heo hơi xuống thấp, người chăn nuôi cần phải giảm chí phí thức ăn nhưng vẫn đảm bảo tăng trọng tốt.
Trong chăn nuôi heo thịt, chi phí thức ăn có thể chiếm từ 65% đến 75% của tổng chí phí đầu vào. Tính trung bình để sản xuất được 1 kg thịt hơi phải tốn từ 2 đến 3,6 kg thức ăn (giai đoạn heo từ 25kg đến xuất chuồng). Như vậy, nếu tốn 2 kg thức ăn cho ra 1 kg thịt hơi có nghĩa tỷ lệ FCR bằng 2, nếu tốn 3,6 kg thức ăn cho ra 1 kg thịt hơi có nghĩa tỷ lệ FCR bằng 3.6.
Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR thay đổi theo từng giai đoạn nuôi. Tỷ lệ FCR ở giai đoạn heo 25kg khác với tỷ lệ FCR ở giai đoạn heo 50kg,…Bảng dưới đây phản ảnh tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR theo ngày tuổi và trọng lượng heo.
Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn – FCR theo ngày tuổi, trọng lượng heo thịt
(Theo Pig Stockmanship Standards, by Dr. J.)
Tuổi heo
|
Trọng lượng heo
(kg)
|
Tăng trọng/ngày
(gram/ngày)
|
Thức ăn tiêu tốn/ngày (gram/ngày)
|
Tỷ lệ FCR
| |
Tuần tuổi
|
Ngày tuổi
| ||||
4
|
28
|
7
|
215
|
280
|
1.3
|
6
|
42
|
12.5
|
395
|
500
|
1.3
|
8
|
56
|
21.3
|
630
|
852
|
1.4
|
10
|
70
|
30.5
|
660
|
1220
|
1.8
|
12
|
84
|
40.5
|
715
|
1620
|
2.3
|
14
|
98
|
51.5
|
800
|
2100
|
2.6
|
16
|
112
|
65
|
965
|
2600
|
2.7
|
18
|
126
|
80
|
1000
|
3200
|
3.2
|
20
|
140
|
95
|
1100
|
3800
|
3.4
|
22
|
154
|
110
|
1100
|
4000
|
3.6
|
Từ bảng trên cho thấy:
- Giai đoạn heo con (piglet) sử dụng ít thức ăn, tỷ lệ FCR nhỏ, khi ngày tuổi heo càng cao, trọng lượng càng lớn thì tỷ lệ FCR càng cao (heo ăn nhiều cám nhưng tăng trọng thấp); Giữa ngày tuổi, trọng lượng heo với tiêu tốn thức ăn tỷ lệ thuận với nhau.
- Heo con sơ sinh có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR nhỏ hơn 1.0, heo có trọng lượng 100kg tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR từ 3.0 hoặc cao hơn.
- Thực tế, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR còn bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác (factor) trong quá trình chăn nuôi heo thịt.
Để tính toán được tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR cho một cá thể heo, cho một lô thí nghiệm (trial) hoặc toàn trại cần phải ghi chép số liệu đầy đủ. Số liệu cần ghi chép bao gồm: Trọng lượng (weight) heo trước khi nhập nuôi, trọng lượng heo thịt xuất bán (market weight), tổng khối lượng cám sử dụng từ khi nhập đến khi xuất bán. Thực tế khi nhập heo thường nhập theo từng lô, do vậy trọng lượng heo trước khi nhập có thể tính đơn giản bằng tổng số con heo nhập trong lô nhân với trọng lượng bình quân của một con heo.
Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR của từng cá thể heo thịt khác nhau. Một số cá thể có tỷ lệ FCR là 1.8 trong khi đó một số cá thể có tỷ lệ cao lên đến 10. Sự khác biệt của tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR của từng cá thể phản ánh tình trạng sức khỏe của cá thể heo trong đàn. Cá thể heo có tỷ lệ FCR cao có nghĩa cá thể đó có sức khỏe (health status) không tốt, ốm yếu và ngược lại.
Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR thay đổi theo từng giai đoạn nuôi heo thịt, khác nhau giữa các lô, các trại. Ví dụ một trại có tỷ lệ FCR trung bình là 2.4, nhưng tỷ lệ FCR của các lô có thể khác nhau (lô có tỷ lệ FCR bằng 1.8, lô tỷ lệ FCR là 2.9,…).
Ngoài phản ánh hiệu quả chăn nuôi heo thịt, sức khỏe đàn heo (herd), công tác quản lý,… tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR còn giúp người chăn nuôi đánh giá được chất lượng giống, chất lượng thức ăn và công tác quản lý của trại. Ví dụ: Trại nhập nhiều lô heo có nguồn gốc giống khác nhau, theo thời gian khác nhau, nhưng cùng sử dụng một loại thức ăn, trong cùng một điều kiện chăn nuôi (công tác cho ăn, công tác quản lý, môi trường, an toàn sinh học,…) lô có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR lớn đồng nghĩa chất lượng giống của lô này thấp, ngược lại lô có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR nhỏ đồng nghĩa với chất lượng giống lô này tốt. Như vậy, người chăn nuôi có thể sử dụng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR để đánh giá, so sánh chất lượng giống từ các nguồn nhập khác nhau. Trường hợp các lô có cùng một nguồn gốc giống, trong cùng một điều kiện chăn nuôi (công tác cho ăn, công tác quản lý, môi trường, an toàn sinh học,…) nhưng sử dụng các loại thức ăn khác nhau, lô có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR lớn đồng nghĩa chất lượng thức ăn kém, ngược lại lô có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR nhỏ đồng nghĩa với chất lượng thức ăn tốt. Như vậy, người chăn nuôi có thể sử dụng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR để đánh giá, so sánh chất lượng thức ăn sử dụng.
Ngoài ra, người chăn nuôi có thể sử dụng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR để so sánh, đánh giá công tác cho ăn, quản lý giữa các lô (lot), chuồng (barn/shed) khác nhau.
Hiện nay, các trại chăn nuôi thường dùng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR mang tính chung chung để suy ra hiệu quả chăn nuôi heo thịt và trong thực tế không thường xuyên ghi chép, theo dõi đầy đủ số liệu(data). Do vậy, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi heo thịt, người chăn nuôi cần ghi chép đầy đủ số liệu (trọng lượng heo nhập, trọng lượng heo xuất bán, khối lượng thức ăn sử dụng,…) để tính tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR chính xác làm cơ sở đánh giá hiệu quả chăn nuôi heo thịt.
1. Các nhân tố ảnh hưởng (factor) đến tỷ lệ chuyển đổi thức ăn – FCR
Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR bị ảnh hưởng bởi một số nhân tố dưới đây:
- Sức khỏe (health) của heo
Trong quá trình chăn nuôi sức khỏe của heo là hàng đầu. Sức khỏe của heo ảnh hưởng rất lớn tới tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR. Nếu một cá thể heo bị tiêu chảy (diarrhroea/scour) nặng trong thời gian từ cai sữa – 25kg, có thể không tăng trọng thậm chí giảm cân trong khoảng thời gian vài tuần nhưng vẫn tiêu thụ một lượng thức ăn không nhỏ và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn trong giai đoạn gần xuất chuồng có thể lớn hơn 10. Những cá thể heo có “vấn đề sức khỏe” (health problem/issue) như thế có thể dễ dàng nhận thấy trong điều kiện chăn nuôi thí nghiệm nhưng khó nhận ra trong điều kiện chăn nuôi đại trà trong một trang trại. Những cá thể heo có “vấn đề” về sức khỏe sẽ làm ảnh hưởng đến tỷ lệ FCR chung của toàn đàn.
Do vậy, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, người chăn nuôi cần “mạnh tay” loại (culling) những cá thể heo có sức khỏe kém, không nên giữ lại nuôi những cá thể heo có “vấn đề”. Ngoài làm giảm hiệu quả kinh tế của trang trại, còn có nguy cơ gây/truyền bệnh dịch (disease).
- Tuổi (age)của heo
Theo bảng trên, thì tỷ lệ chuyể đổi thức ăn FCR phụ thuộc vào tuổi của heo thịt. Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR tăng dần lên (đồng nghĩa heo chậm lớn) khi heo lớn dần lên.
Heo con sơ sinh có tỷ lệ FCR dưới 1.0. Ở giai đoạn này, heo con chỉ mới phát triển cơ bắp (muscle) và xương (bone), ngoài cơ bắp phần còn lại gần như tất cả là nước (water). Giai đoạn này heo con chủ yếu bú mẹ, trong sữa có chứa lượng nước nhiều hơn 80% lượng nước này dùng để tăng trưởng trọng lượng heo con.
Giai đoạn heo gần xuất chuồng, thì tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR càng lớn, lượng thức ăn heo ăn vào nhiều (trung bình một heo ăn từ >3kg cám/ngày) nhưng hệ số heo tăng trọng thấp.
- Trọng lượng xuất bán (market weight)heo
Khi heo nuôi có trọng lượng càng lớn thì tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR càng lớn (heo ăn nhiều hơn nhưng tăng trọng ít). Vậy trọng lượng heo bao nhiêu thì có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn hợp lý? Theo bảng trên thì heo có trọng lượng từ 100kg đến 115 kg thì có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR tương đối tốt, vì trong giai đoạn này heo ít phát mỡ (fat), khi heo ngoài 115kg thì bắt đầu tích lũy mỡ, ăn nhiều hơn và điều này làm giảm hiệu quả chăn nuôi. Do vậy, người chăn nuôi cần xem xét trọng lượng xuất bán hợp lý ngoài yếu tố về giá bán heo trên thị trường và giá cám đầu vào. Đồ thị dưới đây là quan hệ giữa tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR với trọng lượng heo (theo INARA Pork Simulation Model (Pig Progress Vol. 25, nr).
Biểu đồ quan hệ giữa tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR với trọng lượng heo thịt
- Giống heo nái(dam line), lứa đẻ (parity)của heo mẹ
Giống heo có ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR. Có giống heo mau lớn, giống heo chậm lớn.
Ngoài yếu tố giống heo thì lứa đẻ của heo mẹ cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR của heo thịt. Thực tế cho thấy, heo được sinh ra ở lứa 1 (heo nái đẻ con so) và lứa trên 8-9 thì chậm lớn hơn heo được sinh ra từ lứa 2 đến lứa 9. Khi heo mẹ đẻ ở lứa 1, cơ thể chưa hoàn thục (trưởng thành), nên hệ miễn dịch và sức đề kháng còn thấp, không đủ để truyền cho con qua sữa non. Ngược lại, heo mẹ ở lứa quá già (lứa đẻ lớn hơn lứa 8) cũng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của bầy con sau khi cai sữa, còi cọc (tail-end) và tỷ lệ chết cao (mortality). Do vậy, khi mua heo con, người chăn nuôi ngoài việc xem xét ngoại hình, sức khỏe của heo con, cũng cần quan tâm đến heo con được đẻ ra ở lứa nào. Việc xác định heo con được sinh ra ở lứa nào căn cứ vào thời gian hoạt động của trại nuôi heo nái: nếu trại mới đi vào hoạt động (khoảng 6 tháng) thì heo con hầu hết được sinh ra ở lứa 1 (con so). Nếu trại đã hoạt động lâu năm (khoảng từ 3 năm trở lên) mà tỷ lệ thay đàn thấp (nhiều nái có lứa đẻ lớn) thì heo con được sinh ra từ lứa cao, nên khả năng phát triển của heo thấp. Chúng ta nên mua heo giống của các trang trại vì thường họ chọn những con mẹ chuẩn và thay đàn thường xuyên.
Ngoài ra, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR còn phụ thuộc vào giống (genetics), tinh (semen) của heo đực (heo nọc, boars) sử dụng để phối giống. Tinh heo đực có ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của heo con được sinh ra, làm giảm số ngày nuôi, nâng cao chất lượng thịt, đặt biệt là tăng phần thịt nạc (lean meat) (tăng phần cạo/móc hàm, carcass), dễ bán với giá cao vì đa số lái buôn chuộng mua loại heo này. Hiện nay, người tiêu thụ thích thịt heo có phối với đực giống Duroc của Canada cho ra thịt thơm ngon và chất lượng tốt. Ngoài ra, sản phẩm thịt của heo được phối từ đực Duroc của Canada có vân mỡ (mỡ vắt/intra-muscular fat) trong thịt nạc, thịt không bị khô.
Một số yếu tố khác (other factor)
Ngoài các yếu tố kể trên ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR còn có một số yếu tố khác:
- Dòng máu F1 của heo mẹ: Heo con được sinh ra từ heo mẹ thuần với hai máu (F1= GGP Landrace x GGP Yorkshire) sẽ lớn nhanh hơn heo được sinh ra từ heo mẹ ba máu. Chúng ta không nên tự tạo ra heo mẹ vì chúng ta không không thể xác định được nguồn gốc thuần của giống cái và đực.
- Môi trường chăn nuôi: Heo được nuôi trong điều kiện môi trường tốt, thoáng, sạch sẽ, khô ráo và nhiệt độ hợp lý và ổn định thì lớn nhanh hơn;
- Thức ăn, chế độ dinh dưỡng: Thức ăn và dinh dưỡng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển và tăng trọng của heo thịt.
- Công tác quản lý sản xuất heo.
- Chủng ngừa vaccine đầy đủ cho từng giai đoạn nuôi.
2. Một số giải pháp (solution) nâng cao hiệu quả chăn nuôi heo thịt
- Tăng sức khỏe đàn heo
Sức khỏe có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR của heo thịt và ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi heo thịt. Do vậy người chăn nuôi cần phải tăng sức khỏe đàn heo nhằm giảm các bệnh tật trong trại. Để tăng sức khỏe đàn heo, ngoài việc tiêm đầy đủ vaccince, sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng,
- Sử dụng thức ăn, dinh dưỡng (nutrition)hợp lý
Trong điều kiện chăn nuôi trang trại thì thức ăn, dinh dưỡng trong thức ăn và cách thức cho heo ăn có ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR.
Ngoài việc sử dụng thức ăn có chất lượng, có thể bổ sung thêm một số loại dinh dưỡng, các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi giàu axit hữu cơ amino, lysine trong khẩu phần ăn của heo thịt. Một trong số đó là sản phẩm có tên Agal Pro và Cibenza. Đây là hai sản phẩm dinh dưỡng bổ sung trong khẩu phần ăn của heo thịt với tỷ lệ rất nhỏ nhưng kết cho thấy heo tăng trọng nhanh hơn, tăng cơ giảm mỡ, chuyển hóa thức ăn tốt và khỏe mạnh hơn.
- Cho heo ăn (feeding)hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng(growth)
Ngoài việc bổ sung dinh dưỡng, cũng cần cho heo ăn theo các giai đoạn sinh trưởng của heo. Việc phân chia khẩu phần ăn của heo theo các giai đoạn nhằm đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng của heo ở giai đoạn đó. Nếu khẩu phần ăn của heo không hợp lý thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR, dẫn đến chi phí sản xuất tăng. Trên thế giới, các giai đoạn nuôi heo thịt thường phân ra như sau: giai đoạn từ heo con cai sữa đến 15kg, giai đoạn từ 15kg đến 25kg, giai đoạn từ 25kg đến 50kg, giai đoạn từ 50kg đến 80kg và giai đoạn từ 80kg đến xuất bán.
- Quản lý(management)
Người chăn nuôi cần mạnh tay loại heo còi, chậm lớn, bệnh tật vì những con này tiêu tốn thức ăn bằng những con khỏe mạnh nhưng tăng trưởng thấp dẫn đến hiệu không quả kinh tế.
Tiêm phòng (vaccination) đầy đủ các loại vaccine, phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Đảm bảo an toàn sinh học (biosecurity): Khu chuồng chăn nuôi phải được ngăn cách với khu vực xunh quanh, chỉ nên có một cổng vào, ngăn không cho chó, mèo, gà vịt chuột bọ vào chuồng nuôi và hạn chế người tham quan.
Kết luận:
Từ các phân tích ở trên, để mang lại hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi heo thịt, người chăn nuôi cần quan tâm đến một số yếu tố:
+ Lựa chọn con giống tốt, đảm bảo heo con được sản xuất từ bố mẹ thuần F1 (true F1) (GGP Yorkshire x GGP Landrace) vì chỉ có nái sinh sản F1 mới cho được năng suất của ưu thế lai (advantage crossbreeding). Ưu thế lai là hiện tượng cơ thể lai F1 có sức sống cao hơn hẳn đời bố mẹ: sinh trưởng nhanh, phát triển mạnh, chống chịu tốt, năng suất cao, cho nên không lựa chọn heo ba máu; chọn heo cái hậu bị được sinh ra từ lứa 2 đến dưới lứa 8 hoặc 9; không chọn heo của nái đẻ lứa một (nái đẻ con so) hoặc heo được sinh ra từ nái có lứa đẻ lớn (nái già);
+ Heo con được sinh ra từ đực giống hoặc tinh đực có tính trạng tốt, chủng ngừa vaccine đầy đủ, nếu heo con sinh ra từ heo nái dùng tinh phối từ heo đực Duroc của Canada thì rất tốt, heo con sẽ lớn nhanh, nạc nhiều (phần cạo/carcass)) và chất lượng thịt thơm ngon.
+ Cần bổ sung thêm một số loại dinh dưỡng, các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi giàu axit hữu cơ amino, lysine trong khẩu phần ăn của heo thịt.
+ Cần loại bỏ những heo có “vấn đề”, chậm lớn vì nó không đem lại hiệu quả kinh tế./.
Tác giả: Phan Văn Danh
Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú
0 nhận xét:
Đăng nhận xét